K GIÁP: DINH DƯỠNG CẦN THIẾT

Chào cả nhà,

Mita suy nghĩ cả một tuần về việc viết thế nào mà mọi người đều có thể thu lượm được sự hữu ích cho chính mọi người. Tuần trước Mita có gặp và đặt câu hỏi với một nhà khoa học đỉnh của đỉnh, người Ý như sau “làm sao để có thể có công thức chung cho điều trị và hướng dẫn chế độ dinh dưỡng, tập luyện dành cho bệnh nhân ung thư?” Ông ta vô cùng thân thiện và triều mến nhưng câu trả lời cũng chính nằm trong câu hỏi mất tiêu, ông bảo “Mita ạ, con mà trả lời được là được giải Nobel Y học đấy”. Nói thế có nghĩa là vô cùng khó khăn để đưa ra công thức vừa mang tính chất chung mà lại vừa mang sự chi tiết, cụ thể đáp ứng chính xác từng bệnh nhân.

Biện pháp được sử dụng hiện nay trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng dành cho K giáp trước tiên hết chính là phẫu thuật, tùy vào tình trạng như thế nào mà bác sĩ quyết định cấp độ phẫu thuật ra sao, có người cắt bỏ nạo vét sạch sẽ, có người chỉ một phần thôi. Sau khi phẫu thuật, có K giáp được cho uống phóng xạ i-ốt, có K giáp không cần uống. Tất cả đều tin tưởng vào bác sĩ điều trị – người mà hiểu rõ bạn nhất về bệnh án.

Đấy, sự khác biệt như vậy nên có K giáp thì tuyến giáp vẫn còn, vẫn còn hoạt động hơi yếu nhưng mấu chốt là chúng vẫn còn; có K giáp không còn tuyến giáp nữa. Mà bạn biết đấy, chúng ta không thể sống nếu không có hooc-mon tuyến giáp. Thực phẩm bổ sung giúp tuyến giáp của bạn hoạt động tốt hơn, cân bằng hooc-môn của bạn (với người còn tuyến giáp) và giúp hooc-mon tuyến giáp hoạt động tốt hơn. Bài viết này, Mita cố gắng cung cấp thông tin chung nhất với hai nhóm K giáp được đề cập theo phân loại còn và không còn tuyến giáp. Trường hợp chi tiết cụ thể từng đối tượng bạn trao đổi chi tiết với bác sĩ của bạn hoặc Mita để có chế độ phù hợp nhất. Dưới đây là những chất mà ở bệnh K giáp cần cân nhắc bổ sung vào chế độ ăn hằng ngày cũng như những thực phẩm bổ dưỡng để khỏe mạnh suốt đời nhé! Để có cái nhìn tổng quát bạn đọc thêm bài:

http://mitabio.com/2019/07/08/k-giap-dinh-duong-can-tranh/

Smoothies mè đen – chuối – thơm

1)      Magie

Tuyến giáp không thể hoạt động mà không có magie.

–          Magie chịu trách nhiệm chuyển đổi hormone tuyến giáp T4 không hoạt động thành dạng hoạt động T3. Vô cùng quan trọng bạn nhé, vì sự trao đổi chất tế bào của bạn nhờ sự hoạt động của T3 chứ không phải T4.

–          Thiếu magie có liên quan đến bướu cổ, hoặc một tuyến giáp mở rộng.

–          Magie giúp bạn tạo ra nhiều T4 trong tuyến giáp.

Magie ở đâu?

Bạn biết đấy, chúng ta đang sống trọng một chế độ ăn thiếu canxi và magie. Chúng ta ăn thực phẩm giàu canxi nhưng thiếu magie, chúng ta bổ sung canxi nhưng không bổ sung magie (do truyền thông phải không nào?) Bạn có biết lượng canxi dư thừa gây ra sỏi thận, xơ vữa động mạch không? Một lý do nữa là bạn nạp quá nhiều canxi nhưng cơ thể bạn hấp thụ rất ít do thiếu magie và vitamin K2.

Bạn nên nạp magie từ đâu?

Chú ý đến các thực phẩm giàu magie như hạnh nhân, hạt bí ngô, củ cải, rau bina (ĂN KIỂM SOÁT SỐ LƯỢNG NHÉ), quả bơ, quả sung, sô-cô-la đen, các loại rau lá màu xanh đậm. Hãy bổ sung chúng như một ưu tiên hàng đầu cho sức khỏe tuyến giáp của bạn! Tuy nhiên, cách trên vẫn chưa đủ bạn cần bổ sung cho tuyến giáp và sức khỏe của mình với liều nhu cầu:

  • Nếu bạn bị táo bón: liều dùng Magie citrate là 400 mg – 1000 mg
  • Nếu bạn không bị táo bón, nhưng lại có một số triệu chứng khác thì liều dùng 400 mg- 800mg. Lượng này không làm tăng nhu động ruột.

Ngoài ra, Magie còn tham gia với hơn 300 phản ứng enzyme khác nhau của tế bào. Thiếu magie gây ra vấn đề tuyến giáp (thấp/ cao), nhức đầu, đau cơ, đau cơ xơ, đau nhói tứ chi, lo lắng, trầm cảm, thay đổi tính cách, mệt mỏi, mất ngủ, táo bón, huyết áp cao, đánh trống ngực, ….

2)      Selen

Selen được đề cập như selenprotein và enzyme chống oxy hóa, bao gồm glutathione peroxidase (GPs), thioredoxin reductase (TRRs, iodothyronine deiodinase (DIO). Chúng đóng vai trò quan trọng trong kích hoạt các dạng TH khác thành triodothyronine (T3) hoạt động mạnh nhất và khử hoạt tính của thyroxin và T3. Trong trường hợp thiếu hụt selen thì i-ốt bị chuyển hóa kém và rối loạn quá trình tổng hợp TH. Ngòai ra Selen được đề cập đến nhiều chức năng miễn dịch bệnh nhân K.

Theo khuyến cáo của WHO, nhu cầu của người lớn là lượng selen trung bình 0,5ug/ kg trọng lượng cơ thể, có nghĩa người nặng 50kg cần bổ sung 25 ug (tương đương 0,25mg). Trong thực phẩm các loại hạt đậu chứa rất cao selen, 6 ug/ gram đậu; nấm chứa 3 ug/ gram nấm; trái cây chứa 0,5 ug/ gram trái cây; các loại cá tươi cũng giàu selen. Từ đó, cả nhà tính toán thử xem mình ăn nạp có đủ không nhé?

Selen cũng có mặt trái của nó, nếu lượng selen cao trong cơ thể là làm trầm trọng sự thiếu hụt i-ốt, lượng selen hợp lý giúp cơ thể kiểm soát i-ốt.

Selen có hiệu quả ở phụ nữ K giáp trong giai đoạn nhú nhưng không hiệu quả ở nam giới K giáp. Nơi mình làm việc, bác sĩ bổ sung 100 ug selen ngày 2 lần cho bệnh nhân nữ K giáp giai đoạn nhú hoặc nhú-nang.

3)      Omega-3

Cơ thể bạn không tự tổng hợp loại chất béo này, bạn cần bổ sung từ bên ngoài. Omega-3 giúp tế bào nhạy cảm hơn với hooc-môn tuyến giáp. Omega-3 có nhiều trong mỡ cá như cá hồi, cá mòi, tôm, hào.

Theo FDA (US Food & Drug Administration) khuyến cáo về lượng dùng omega-3: 500mg/ ngày với người có tim mạch khỏe mạnh, 800-1000 mg/ ngày với người có vấn đề tim mạch; 3g/ ngày với người có lượng cao triglyceride trên 200 mg/dl; vượt quá 3 g/ ngày gây ngộ độc (buồn nôn, dạ dày khó chịu). Nếu bạn dùng thực phẩm bổ sung thì nên duy trì 2-3 lần/ tuần thôi nhé!

4)      I-ốt

Có lẽ đây là điều bạn quan tâm nhất phải không nào? Chức năng của i-ốt giúp cân bằng hoocmon tuyến giáp và giảm sự hình thành khối u. Bổ sung hay không bổ sung tùy theo địa lý bạn sống, tùy theo tình hình bệnh nhân và cách điều trị.

  • Những người sống ở vùng cao nguyên thường thiếu i-ốt nếu không được bổ sung tảo biển, rong biển.
  • Những người sống ở vùng biển không cần bổ sung. Trường hợp hấp thụ quá nhiều i-ốt gây viêm tuyến giáp và triệu chứng tệ hơn.
  • Giai đoạn uống phóng xạ I131 không dùng các thuốc, thực phẩm chứa i-ốt và hooc-mon tuyến giáp ít nhất 1-2 tuần trước khi điều trị và 1-2 ngày sau khi điều trị.
  • Lượng i-ốt nạp vào cơ thể < 100 ug/ ngày (cơ thể 50 kg).

Các sản phẩm nhiều i-ốt như: muối biển chứa i-ốt, hải sản (tôm, cua, sò, hến, …), tảo biển, rong biển, thịt chế biến sẵn, sản phẩm từ đậu nành lên men, 

5)      Kẽm, đồng, sắt

  • Kẽm, đồng và sắt có chức năng tăng hoạt động tuyến giáp, sản xuất hooc-mon. Thiếu kẽm có thể gây suy giáp. Kẽm là cần thiết cho T3 xác định chức năng sinh học của nó. Bệnh nhân K giáp ở bệnh viện chúng tôi thường đánh giá bị thiếu kẽm do quá trình điều trị. Lượng kẽm cần bổ sung ở người lớn là 8mg đối với nữ và 11mg đối với nam.
  • Đồng cần ở người lớn 900 mcg.
  • Sắt 8mg/ nam và nữ sau mãn kinh, phụ nữ giai đoạn kinh nguyệt cần 18mg.

Thực phẩm giàu những khoáng này gồm: nấm, rau mồng tơi, các loại đậu, hải sản, lúa mì, gạo nguyên cám.

6)      Vitamin A

  • Giúp giảm nồng độ TSH huyết thanh và tăng T3. TSH huyết thanh càng cao thì chức năng tuyến giáp càng thấp. Nồng độ 25 000 IU retinyl palmitate mỗi ngày.

Thực phẩm giàu vitamin A và một số vitamin B, E: thịt lợn, rau lá xanh đậm, thịt gà, trứng, các loại đậu, hải sản có vỏ cứng, mầm lúa mì, đậu hà lan, ngũ cốc nguyên cám.
 

DÀNH CHO BẠN

Bạn ơi, để đồng hành cùng bạn tốt nhất bạn cần kiểm tra bản thân mình ở một số vấn đề sau:

  1. Bạn đang ở giai đoạn nào của tiến trình điều trị K giáp?
  2. Bạn còn tuyến giáp hay không còn?
  3. Bạn đã từng điều trị hay chưa điều trị với phóng xạ i-ốt 131?
  4. Các chỉ số TSH huyết tương, T3, T4 của bạn đang trạng thái nào?
  5. Bạn đang sử dụng hooc-mon tuyết giáp hay chưa sử dụng?
  6. Bạn thường xuyên lựa chọn những thực phẩm nào nạp vào cơ thể hằng ngày?
  7. Bạn sống ở vùng biển hay tây nguyên?

Lời cuối cùng Mita gởi bạn đó là HÃY ĂN MỖI THỨ CÓ LỢI MỘT CHÚT đừng có kiên khêm toàn bộ, làm cơ thể bạn thiếu dưỡng chất, thậm chí ảnh hưởng đến lối sống và gia đình, kinh tế cũng là vấn đề được đề cập.

Gợi ý protein, lipid cho một tuần dành cho người ăn mặn, đối với người ăn chay có thể chỉ ăn nấm và các loại đậu (trừ đậu nành không lên men) như sau:

Thực phẩm Lần ăn/ tuần
Nấm 2
Thịt gà 2
Thịt vịt 1
Thịt heo 1
Thịt bò, bê, cừu 0,5
Tôm, cua, sò, ốc 0,5
Cá các loại 5
Các loại đậu trừ đậu nành không lên men 2
Trứng 3
Sữa lên men hoặc không lên men 3

Gợi ý carbohydrate cho một tuần:

Thực phẩm Lần ăn/ tuần
Cơm trắng, xôi nếp trắng 1
Cơm, xôi nguyên cám, các loại đậu (trừ đậu nành không lên men), các loại củ như khoai lang, khoai tây, cà rốt, các loại khoai bạn có thể mua được 13
Trái cây đa dạng màu sắc 14
Các loại rau màu xanh đậm (trừ họ cải như cải xoăn, củ cải) 14

Gợi ý thực phẩm bổ sung, nên hỏi ý kiến bác sĩ điều trị vì bác sĩ biết kết quả xét nghiệm của bạn về bổ sung thêm calcium, magie, selen, kẽm, omega-3, các vitamin A, C, E, nhóm B.

== DƯỚI ĐÂY LÀ CÔNG THỨC THAM KHẢO CỦA NHÓM BỆNH NHÂN K (nhóm ăn bình thường) – BỆNH VIỆN ĐẠI LÂM – ĐÀI LOAN==

Thứ 2:

Sáng: bánh mì không gluten với trứng.

Trưa: salad gà với vài ba hạt đậu, chén cơm nguyên cám nhỏ

Tối: thịt gà luộc và rau

Thứ 3:

Sáng: lúa mạch (30 grams) với trái cây và sữa chua

Trưa: cá hồi luộc, rau luộc và phần khoai luộc

Tối: rau luộc và ít cá thừa lúc trưa

Thứ 4:

Sáng: bánh mì không gluten với trứng

Trưa: cá với rau và chén cơm/ khoai luộc

Tối: Tôm với rau

Thứ 5:

Sáng: 20 gram hạt chia ngâm nở qua đêm, hộp sữa chua, ít hoa quả

Trưa: nấm với rau, phần khoai luộc hoặc chén cơm nguyên cám.

Tối: thức ăn còn lúc trưa và rau luộc

Thứ 6:

Sáng: chuối và hoa quả, sữa chua làm món sinh tố

Trưa: bánh mì/ sandwich không gluten với cá luộc và rau

Tối: nấm với rau luộc

Thứ 7:

Sáng: trứng, nấm và bánh mì không gluten

Trưa: Cá hồi luộc với salad hoặc rau luộc

Tối: rau luộc và thức ăn còn lúc trưa

Chủ nhật:

Sáng: trứng ốp la với rau luộc

Trưa: cá luộc, salad với rau và ít hạt

Tối: rau luộc và thực phẩm lúc trưa

Điều quan trọng nhắn gởi các bạn sau tất cả hiểu biết về chính mình và kiến thức cần thiết rồi, các bạn bắt đầu hành động thôi nhưng để kết quả tốt nhất hãy cân nhắc lựa chọn thực phẩm an toàn nhé. Vì đó là thứ bỏ vào dạ dày bạn đừng có dễ dãi nha!

Các bạn đọc thêm bài viết những dinh dưỡng cần tránh ở bệnh nhân K giáp nhé!

Hãy đặt câu hỏi bên dưới. Thân! Chúc các bạn khỏe mạnh!

Mita – dành thời gian cho điều ý nghĩa!

Không có bình luận

  • Ly Na viết:

    cho mình hỏi là mita có thấy trường hợp nào k giáp thể nhú, chưa phẩu thuật, tự chữa lành hết không? và pp thực hành như thế nào? có phải nghiêm ngặt không ạ

1 Trackback or Pingback

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 10 MB. You can upload: image, audio, video, document, spreadsheet, interactive, text, other. Links to YouTube, Facebook, Twitter and other services inserted in the comment text will be automatically embedded. Drop files here