TỰ HỌC TIẾNG ANH

Kết thúc khóa huấn luyện sáu tháng rồi, mình muốn đúc kết vài thứ mình đã giúp đỡ các bạn Đài học tiếng Anh, nếu bạn đã có cách học tiếng Anh phù hợp với bạn thì bạn bỏ qua bài đọc này, nếu bạn vẫn loay hoay tìm cách nào đó để cải thiện hãy thử đi. Mình cam kết đền bù tổn thất cho bạn nếu bạn đã đánh mất 6 tháng thực hành nghiêm túc mà trình tiếng Anh của bạn không hề cải thiện.

Trong hành trình học tiếng Anh của mình không phải là minh chứng hoàn toàn cho sự tự học – nhưng sự tự học giúp mình cải thiện ngôn ngữ này. Thời gian gần đây mình nhận nhiệm vụ giúp đỡ một vài người bạn Đài Loan cải thiện tiếng Anh. Các bạn ấy xuất phát điểm cỡ như thế này ‘I have go home yesterday’ – ‘I very very don’t like it’ – ‘I didn’t come tomorrow’ – ‘He don’t know’. Hoặc bạn nói, ‘yes, I went here yesterday’ là các bạn đó không hiểu đâu mà phải nói ‘I go yesterday’. Sửa sai ngay lập tức là các bạn ấy  không vui và sợ giao tiếp –  cho nên để duy trì sự giao tiếp được mình cũng phải sai cùng các bạn ấy – kiểu như chơi với trẻ con mà không giống trẻ con nó đâu có chịu chơi đâu.

Tiến trình kéo dài sáu tháng như thế nào?

Mình đề nghị duy trì thói quen ít nhất ba tháng, nhưng mình hy vọng các bạn muốn cải thiện thật sự hãy duy trì thói quen sáu tháng. Và, trong quá trình huấn luyện này là sáu tháng theo sự cam kết tự nguyện của mọi người trong nhóm. Hơn nữa, tùy xuất phát điểm của bạn, nếu bạn khá hơn thì thời gian có thể ngắn hơn, hoặc bạn yếu hơn thì thời gian có thể dài hơn. Ba tháng là con số tối thiểu để bạn cải thiện một kỹ năng.

  1. Mười lăm phút rèn từ vựng: giáo trình học bằng tiếng Anh, powerpoint bằng tiếng Anh cho nên từ có nhiều nơi mà. Mình bảo, cài một cái app từ điển tiếng Anh – Trung vào điện thoại. Mỗi lần thấy từ nào chưa biết, mở cái app ra tra và thêm từ đó vào danh sách lưu. Mỗi ngày học và ôn lại các từ đó bằng cách chọn một giờ cố định trong ngày, mỗi lần tối thiểu 15 phút. Nói rõ để bạn ấy sắp xếp phù hợp. Cài báo thức điện thoại đúng cái giờ đó, bấm timer 15 phút, mở app ra, mở đúng cái chỗ từ sao lưu đó, nhấn nút cái loa ‘sound’ vô cái từ đó – nghe người ta đọc – rồi đọc lại. Thế thôi. Cứ làm đi, liên tục liên tục không bỏ sót ngày nào ít nhất ba tháng.  Một cách khác mình mới phát hiện thời gian gần đây, là mình dùng Twitter (mạng xã hội có nhiều người Mỹ tham gia), mình follow những nhân vật như Donald Trump, Obama, … mình đọc các bài tweet của họ và mỗi một từ mới mình đều tweet lên trang của mình. Mỗi từ mình tweet gồm từ, loại từ, cách đọc, đồng nghĩa, và nghĩa nữa. Mách bạn dụ này có thể giúp bạn kiếm tiền đấy. Sau một thời gian, cộng đồng twitter phát hiện ra và tìm mình nhờ dịch bài từ tiếng Anh sang tiếng Việt và họ trả tiền cho mình. Không riêng mình đâu nhé, có bạn Annie (nick name, là học trò đầu tiên của mình ở nước ngoài học về khoa học y sinh) người Thái cũng nhận được khá nhiều bài dịch từ tiếng Anh sang tiếng Thái nhé!
  2. Mười lăm phút nghe mỗi ngày: cứ nghe những gì bạn muốn nghe, hãy giữ thói quen không thay đổi. Mình nói, mình hay nghe Ted Talk hay xem phim. Phim có phần hơi dài nên một tuần hay vài tuần mình mới xem một lần. Ted Talk có vẻ hợp lý cho khoảng thời gian 15 phút nghe mỗi ngày. Cũng giống như 15 phút rèn từ mới mỗi ngày – chọn giờ cố định trong ngày có thể dành cho việc nghe tiếng Anh – cài đặt chuông nhắc – bấm timer 15 phút – mở Ted Talk – nghe. Nghe và chỉ nghe thôi. Cứ làm như vậy liên tục ít nhất ba tháng.
  3. Mười lăm phút đọc và tập chép: mình gom cái này vô một chỗ. Bạn chọn nội dung muốn đọc, muốn chép – có thể là bài học ở trường, chuyên ngành của bạn – hoặc chủ đề bạn quan tâm – hoặc mở google hay bất kỳ trang web có chức năng tương tự, gõ từ khóa mới học được hôm nay ở mục mười lăm phút rèn từ vựng, chọn bất kỳ bài nào cũng được. Nhóm ba chàng trai thì có bạn rất thích chuyện ông Trump – có bạn thích nấu ăn – bạn còn lại thì thích nghiên cứu ung thư. Tiếp theo là chọn thời gian thích hợp trong ngày, cài đặt chuông nhắc – bấm timer 15 phút – mở bài muốn đọc chép – chép thôi. Ban đầu bạn sẽ chép rất chậm, có thể từng chữ cái một để được một từ hoàn chỉnh – thời gian sẽ giúp bạn viết được một từ rồi một cụm từ theo phách câu khi đọc rồi một câu. Duy trì ít nhất ba tháng!
  4. Kỹ năng nói ‘luôn cố gắng nói khi có thể’sai đúng không phải là vấn đề quan trọng mà quan trọng chính là bạn dám nói và hiểu được đối phương đang nói. Nếu không có người thực hành nói với mình thì làm sao? Cứ bật ghi âm lên, nói độc thoại vu vơ nửa Anh nửa Việt. Khi nào rảnh mở ra nghe cho vui, hí hí J.

Khó khăn

Người Đài hơi độc đoán, hơi cố chấp, hơi rập khuôn nguyên tắc nhưng cái phần tuân thủ nguyên tắc hay duy trì thói quen cực kỳ tuyệt vời. Người Việt mình phần này có hơi thua thiệt. Nhưng okay, cuộc sống của bạn là do bạn quyết định – muốn thay đổi hay không là do bạn mà J

  •  Khó khăn lớn nhất có lẽ là chọn giờ cố định trong ngày để thực hành. Tìm lý do để từ chối thì dễ vô cùng – nhưng có được một hoặc vài lý do để duy trì thì luôn luôn khó khăn. Mình hiểu, bản thân mình cũng vậy. Nhưng nếu bạn muốn bạn của ngày mai tốt hơn thì không có cách nào khác phải làm vậy.
  • Trong quá trình luyện từ không có mấy khó khăn so với các kỹ năng khác, chỉ cần mở app lên nghe âm thanh và lặp lại thôi. Cách này có hơi chán nhưng dễ thực hiện.
  • Trong quá trình luyện nghe người Đài và người Việt đều giống nhau ở chỗ ‘nghe gì cả hiểu, chán quá’. Nghe – hiểu là đích cuối cùng nhưng khi bạn bắt đầu, như đứa trẻ bập bẹ những âm thanh đầu tiên – sao mà hiểu được. Không quan trọng ở giai đoạn này, chỉ cần nghe và nghe thôi. Bạn có thể mở phụ đề để vừa nghe vừa nhìn biết họ đang nói từ gì. Bạn cũng có thể mở một video để nghe đi nghe lại thật nhiều lần, nhiều ngày, nhiều tuần. Rồi một ngày, bạn có thể nghe một lần rồi hiểu luôn. Ngày đó không xa đâu!
  •  Quá trình luyện viết, bạn chán kinh lắm. Ba chàng trai ngày nào cũng than hết. Ngày đầu tiên mỗi bạn viết 15 phút được khoảng 50 từ thôi. Ngày thứ hai được 80 từ. Sau một tuần được 120 từ. Bây giờ là 6 tháng rồi, bạn đó có khả năng viết được 1000 từ đấy. Khi bắt đầu lúc nào cũng khó khăn cả, bạn đâu có biết từ vựng gì đâu, mỗi một từ bạn phải viết từng chữ cái từng chữ cái để hoàn thành một từ. Nhưng ngày qua tháng lại, từ của bạn được tăng lên do bạn viết mỗi ngày, bạn bắt đầu có thể viết một cụm từ rồi một câu.

Sẽ làm gì tiếp theo sau sáu tháng huấn luyện?

Lúc này, kỹ năng nghe-nói-đọc-hiểu-ghi chép của bạn cũng nhanh lên rất nhiều. Bạn có thể tự viết nội dung của mình thay vì tập chép. Sau sáu tháng huấn luyện, mình bảo các bạn báo cáo bài báo hoàn toàn bằng tiếng anh, mình đề nghị các bạn đó ghi âm lại âm thanh của mình, để nghe lại và sửa sai. Tập tành viết bài bằng tiếng Anh đăng trên mạng xã hội. Đừng sợ thiên hạ cười chê – ai cười kệ ai – ai chê kệ ai – việc mình mình làm.

Thay đổi cách sử dụng từ điển, giai đoạn đầu bạn thích dùng google dịch (google translator) hay các app từ điển theo hình thức từ tiếng anh ra từ tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt, Đài, Hindi, Thái, …), Nhưng giai đoạn này từ của bạn cũng kha khá rồi, bạn cần nâng cấp level tra từ điển. Bạn chuyển sang chọn kiểu từ điển Anh-Anh hoặc cứ dùng google là oki cả. Cách mình dùng thường xuyên nhất chính là google theo form “TỪ MUỐN TRA + meaning”. Bạn xem ví dụ dưới đây trong hình nhé, mình muốn tra từ ‘interfere’ thì mình gõ là ‘interfere meaning’, sau đó nhấn enter. Kết quả hiện ra gồm có phiên âm nè, có cả voice nữa, có cả chức năng của từ trong câu như động từ- tính từ- trạng từ hay danh từ, có cả các từ đồng nghĩa và câu ví dụ kèm theo. Bằng cách này bạn sẽ ghi nhớ lâu hơn và bạn sẽ ghi nhớ được những từ cũ đã học trước đó nữa.

Cá nhân mình

  1. Mười lăm phút tăng vốn từ vựng mình vẫn duy trì cho đến ngày hôm nay. Mình nói như thế cho bạn hiểu rằng việc tăng vốn từ của bạn là việc cả đời, không những tiếng anh mà trong tiếng việt cũng vậy.
  2. Mình vẫn còn tập chép những đoạn văn hay, những bài báo hay. Sau đó, bắt đầu phân tích cấu trúc ngữ pháp, cách sử dụng từ chính xác. Phân tích đoạn văn, sự phát triển đoạn văn. Phân tích tổng thể bài viết, sự phát triển câu chuyện của bài viết.
  3. Kỹ năng viết của mình còn khá kém, mỗi lần được sư phụ xem qua và chỉnh sửa lại là mình trầm trồ bài của sư phụ liền ngay. Nói vậy cho bạn thấy rằng, đừng lo lắng sau sáu tháng sẽ làm gì tiếp theo. Hãy theo dấu hiệu và bước tiếp đó là lời khuyên của mình.

Bài viết này được viết ra cũng là dành cho các em mình, các em mình cực kỳ sợ tiếng Anh – dỡ tiếng Anh – xấu hổ về tiếng Anh – lúc nào cũng nói học tiếng Anh – mà mình vẫn chưa thấy học thật sự cả. Đặc biệt là dành cho em út nhà mình – hồi năm ngoái em nói – em cực thích máy ảnh cơ để chụp hình phong cảnh – em ấy set một kèo thế này “nếu em có thể giao tiếp với mình bằng tiếng Anh thay vì tiếng Việt thì mình tặng cho em ấy một cái máy ảnh cơ”. Mình đồng ý ngay. Sau đó, em ấy còn nói “Hai mua trước đi chớ lỡ em làm được mà hai không có mua máy ảnh thì sao”. Mình trả lời: “okay”. Sau nửa năm, em ấy nói với mình “khó quá, thôi bỏ đi Hai”. Èo èo vậy đó. Cho nên, bài viết này như món quà dành tặng cho Minh Ý. Hy vọng một ngày không xa em sẽ tự tin hơn giao tiếp bằng tiếng Anh.

Mita

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 10 MB. You can upload: image, audio, video, document, spreadsheet, interactive, text, other. Links to YouTube, Facebook, Twitter and other services inserted in the comment text will be automatically embedded. Drop files here