TRI ÂN NHỮNG NGƯỜI THẦY TRONG ĐỜI – MÃI MÃI CÔ GIÁO TUỔI 25

TRI ÂN NHỮNG NGƯỜI THẦY TRONG ĐỜI

Trở thành bạn Mita của ngày hôm nay, một công dân bình thường tuân thủ pháp luật các nước, một con người bình thường về sức khoẻ – trí tuệ, bạn Mita đã nhờ sự dưỡng dục của rất nhiều người Thầy. Mita tri ân tất cả những người đóng góp trong sự giáo dục nên bạn Mita ngày hôm nay. Tất cả những người Thầy đó, bạn Mita ghi dấu ấn một số người Thầy đặc biệt hơn trong đời:
Năm chưa tròn một tuổi, không may bị bệnh nặng, không còn cách chữa trị. Trong lúc bối rối lo lắng thì ông lão trong làng (giờ ông đã đi rồi) bảo rằng: “bé này mạng lớn không dễ đi đâu”. Sau này được kể lại câu chuyện này, Mita vô cùng ấn tượng và ngay tức khắc bài học cuộc đời ghi nhận rằng: “có những chuyện muốn thay đổi cũng không được, nó thế thì phải thế thôi, khi cố gắng hết sức rồi thì phó thác phần còn lại cho sự may mắn”.
Người Thầy, mỗi khi Mita nghĩ về nhiều nhất thời tuổi thơ là ông ngoại Út – ông dạy mình rất nhiều bài toán từ khi chưa biết viết, các bài toán ông dạy là những bài toán cổ, toán đố ngày xưa. Học nhưng không phải học. Không phải sách vở, bút viết ngồi bàn học gì cả. Ông dạy mình đến những năm lớp 9 lận. Tuổi thơ của mình không thể thiếu những ông cụ chữ Nôm, ông dạy mình rất nhiều về nhân – sinh – quan.
Khi vào lớp 1, mình học lớp cô Nhung (bạn của ba), bài học lớn mình học được là ‘tình yêu thương không bao giờ bằng nhau’. Mình lúc nào cũng được cưng hơn, cũng được nhiều quà hơn các bạn dù mình có muốn hay không? Khi mình lớn, mình cưu mang rất nhiều bạn nhỏ, mình cũng đã yêu không bằng nhau. Các em ruột của mình, mình cũng có phần nhích hơn một tí, các em học trò ngoan – trung thực mình cũng có phần nhích hơn một tí. Mình hiểu và thông cảm cho phụ huynh yêu con không bằng nhau, mình hiểu cho con riêng, con chung, …
Thời tiểu học, mình hiểu được ‘buôn bán mưu sinh quan trọng như thế nào?’ Mình theo bà ra chợ, mua thực phẩm của nông dân và bày bán lại. Từ rất nhỏ, mình đã tự mở quầy hàng bé bé ngoài chợ, mỗi bữa kiếm được vài ba đồng. Quá trình này học được nhiều lắm, trả giá, bán rẻ, bán mắc, nói thật, nói dối, lừa gạt các kiểu … Xã hội như gói gọn trong cái chợ nhỏ vậy.
Vào lớp 6, mình hiểu rằng vinh quang và năng lực không thể đánh đồng. Giải thưởng văn học không nhất thiết phải thuộc về người viết văn giỏi mà thuộc về người học thuộc bài văn mẫu hay. Đằng sau cái giải thưởng văn học mình có được là mẹ mình viết văn qúa hay và cô con gái học bài quá nhanh thuộc. Nhờ bài học lớn này, khi mình lớn lên mình không tin nhiều vào các giải thưởng, bằng cấp, học vị, học hàm mặc dù mình cũng có học vị cao và rất nhiều giải thưởng – huy chương. Học vị cao mình có được chẳng qua mình muốn học để hiểu, điểu biết nhiều hơn và học vị chỉ để ghi nhận mình đã hoàn thành khoá học mà thôi.
Vào năm nhất đại học, bài học hành trang mang theo trong mình là nội dung lá thư từ mẹ gởi, trong đó có câu “trời sinh voi sinh cỏ”. Ý là đừng có lo gì, cuộc đời đã sắp xếp sẵn, thế nào con cũng sống khoẻ, sống tốt và các em con cũng vậy thôi. Chính hành trang lớn đó đã giúp bạn Mita và cả gia đình vượt qua biết bao nhiêu chông gai cuộc đời. Mỗi ý tưởng chợt đến đều bắt lấy và nỗ lực để có <cỏ> mà nuôi <voi>. Đúng thật là vậy. Dù sống bất kỳ nơi nào trên thế giới, mình vẫn cảm thấy vô cùng hạnh phúc và không bao giờ lo lắng mưu sinh.
Giai đoạn thạc sỹ, mình học bài học lớn “Thành quả là kết quả của sự nỗ lực – hợp tác – trung thực và luôn nhìn về một mục tiêu”. Với mình, giai đoạn học Thạc sỹ là giai đoạn đầy màu sắc, mọi người trong team luôn đồng hành, cùng nỗ lực, cùng xây dựng.
Giai đoạn tiến sĩ, giai đoạn phức tạp nhất mình có. Để lại nhiều nhất là sự ám ảnh về các mối quan hệ. Ở chương trình tiến sĩ 1, mình ám ảnh bởi tình yêu của giáo sư dành cho mình, cũng chính tình yêu đó đã giết chết mối quan hệ. Ở chương trình tiến sĩ 2, mình ám ảnh câu nói của giáo sư dành cho tất cả thành viên trong lab “Tôi không muốn làm bạn, tôi chỉ muốn người làm được việc cho tôi”. Những kiến thức khoa học có nhiều cách để tự học lấy, chỉ cần người học có chút kỹ năng và muốn học thì ắt sẽ có cách. Những bài học sống nó quan trọng hơn nhiều. Mâu thuẩn trong giá trị sống và mình quyết định chọn một lối.
Trong hành trình dài đằng đẳng của sự học, ngoài học chữ, mình học được rất nhiều thứ khác nữa như:
– Tài chính: ngu ngơ dễ mủi lòng như mình thì đừng có bận tâm về tài chính, uỷ thác hết cho người khác.
– Tình yêu: yêu, bảo vệ cho tất cả những người đã từng yêu – đang yêu mình.
– Sức khoẻ: lấy khoa học epigenetics và miễn dịch làm nền tảng
– Sống: biết hiện tại là đủ rồi
Tri ân tất cả những người Thầy đã đồng hành cùng bạn Mita và đóng góp xây dựng nên bạn Mita của hiện tại. Dù ngày mai có ra sao thì Mita vẫn đầy lòng biết ơn tất cả các Thầy Cô!

MÃI MÃI CÔ GIÁO TUỔI 25

Bạn Mita đến với nghề giáo vì mục đích mưu sinh. Khi tuổi đời còn rất nhỏ, cô bé ngây thơ với trái tim trong sáng và đủ kiến thức nhưng không có kinh nghiệm và tuổi đời, cô cần tiền để sống, người thì cần kiến thức và cần cả kinh nghiệm của một cô giáo có tuổi. Cô Mita bèn trở thành cô giáo tuổi 25. Dù bao nhiêu năm thăng trầm trong nghề giáo, dạy đủ cấp học từ cấp 1 đến Đại học, Thạc sỹ và các lớp học không đồng trình độ thì cô giáo Mita vẫn tuổi 25.
Nhiệm vụ của cô giáo 25 tuổi là làm hài lòng các em học sinh và phụ huynh. Khi phụ huynh đưa các em đến với cô giáo thì phụ huynh mong rằng các em mỗi ngày ghi được điểm số cao hơn, các em đến với cô giáo thì mong rằng học ít – vui nhiều và điểm số vẫn cứ cao. Cuộc đời nó thế biết làm sao? Ai nói sai thử ngẫm lại xem nào? Cô giáo 25 tuổi nghĩ nhiều cách để làm hài lòng các vị khách hàng để mưu sinh. Ngày đêm miệt mài và rồi cô hạnh phúc vỡ oà khi mỗi lần phụ huynh và các học sinh vui cười nhận kết quả tiến bộ trong việc học. Sự hạnh phúc của mọi người làm cho cô giáo 25 tuổi tin vào năng lực bản thân, dần dần trở nên yêu nghề mất rồi.
Sự mưu sinh đã không còn là trông đợi của cô giáo 25 tuổi, cô trở nên thấy mình có đầy giá trị, công việc cần làm là yêu việc cô đang làm. Cô chỉ cần yêu việc mình đang làm thôi!
Để yêu được nghề giáo, học nghề – kiến thức chuyên môn thôi chưa đủ, còn phải biết triết học, có kiến thức đạo đức học và học thuộc lòng những nguyên lý của thực tiễn học. Ngoài ra, còn phải biết cách giúp cho người học trò biết ngừng học, bỏ học. Ở vai trò của một bác sĩ, ngoài những điều trên cần phải biết cách giúp cho người ta chết. Mita
Một lần nữa, tri ân tất cả những người Thầy!
Mita

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 10 MB. You can upload: image, audio, video, document, spreadsheet, interactive, text, other. Links to YouTube, Facebook, Twitter and other services inserted in the comment text will be automatically embedded. Drop files here